Quan hệ Lào – Việt Nam hay còn được biết đến với tên thông dụng là Quan hệ hữu nghị Việt-Lào là mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện từ lịch sử tới hiện tại giữa Việt Nam và Lào. Mối quan hệ được Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cũng như Nhà nước 2 quốc gia coi là mối quan hệ đặc biệt với vai trò như đồng minh chiến lược của nhau nhưng không có bất cứ bản cam kết đồng minh nào.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao trên cơ sở mối quan hệ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Lào ngày 5/9/1962
Lịch sử
Đường biên giới giữa Việt Nam và Lào dài khoảng 2.340km, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam là: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Kon Tum; tiếp giáp với 10 tỉnh phía Lào là: Phỏng-sả-lỳ, Luổng-pha-bang, Hủa-phăn, Xiêng-khoảng, Bô-ly-khăm-xay, Khăm-muồn, Sa-vắn-nạ-khệt, Sả-lạ-văn, Sê-kông và Ắt-tạ-pư.
Việt Nam và Lào là 2 quốc gia lánh giềng của nhau. Trong nhiều giai đoạn lịch sử Lào chịu sự chi phối giữa Xiêm và Đại Việt. Thời kỳ nhà Nguyễn coi các quốc gia các Vương quốc Luang Phrabang, vương quốc Viêng Chăn, vương quốc Phuan, vương quốc Champasak, vương quốc Khmer là phiên bang của Việt Nam.
Cho đến khi triều Nguyễn suy yếu, các vương quốc này lại chịu sự chi phối của Xiêm và sau đó là thực dân Pháp. Trong giai đoạn đấu tranh chống thực dân Pháp trong cuối thế kỷ XIX, nhiều cuộc nổi dậy của người Việt Nam cũng lan sang và phát triển tại Lào. Nhưng sau đó đều bị thực dân Pháp dập tắt.
Năm 1930 Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời với mục đích đấu tranh cách mạng cho các nước Đông Dương chống lại thực dân Pháp. Sau khi thành lập nhiều đảng viên bí mật tại Lào và Campuchia xuất hiện trong Đảng, đấu tranh cách mạng mang tích chất vô sản giành lại tự do độc lập cho mỗi quốc gia. Người Việt Nam chiếm tuyệt đối trong Đảng chỉ có phần nhỏ là Lào và Campuchia.
Hà Nội được coi là trung tâm đầu não của toàn bộ Đông Dương, đặt các trụ sở hành chính, giáo dục, văn hóa,… vì vậy rất nhiều trí thức và người trong hoàng gia các vương quốc sang Hà Nội học tập. Tại đây nhiều trí thức Lào được Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên truyền tham gia, một số lượng cỡ trung bình trí thức Lào trở thành đảng viên, ngoài những người nông dân, công nhân người Lào nay đã có thêm trí thức Lào tham gia, đây là lực lượng nòng cốt cho công cuộc đấu tranh cách mạng tại Lào và Đông Dương sau này.
Khi Nhật tiến vào Đông Dương, và sau đó đảo chính Pháp và lập ra các quốc gia tự chủ theo danh nghĩa tại Lào và Việt Nam, nội các 2 nước cũng có quan hệ nhỏ mang tính chất 2 quốc gia thuộc khối Đại Đông Á.
Nhật thất bại và đầu hàng quân đồng minh, khoảng trống quyền lực được tạo ra, tại Việt Nam Việt Minh làm cuộc cách mạng tháng 8 tái chiếm cả nước, thì tại Lào Lào Issara và các lực lượng du kích cũng tái chiếm khoảng trống quyền lực ấy.
Ngày 4/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Souphanouvong đang ở Vinh ra Hà Nội. Cuộc gặp gỡ giữa hai vị lãnh tụ của hai nước đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng mối quan hệ Việt – Lào.
Đến khi Pháp quay lại Đông Dương năm 1946, Lào được thống nhất thành quốc gia chung Vương quốc Lào do Pháp bảo hộ theo cách Lào là quốc gia thuộc khối Liên hiệp Pháp. Lào Issara bị Pháp tấn công tan rã, số nhỏ rút sang Thái và Việt Nam.
Chiến tranh Đông Dương nổ ra. Tháng 8/1950 hoàng thân Souphanouvong đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương đổi tên nhóm lực lượng Lào Issara do ông lãnh đạo sang tổ chức vũ trang Pathet Lào, thành lập chính phủ kháng chiến Lào. Tháng 2/1951 Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II được tổ chức, Kaysone Phomvihane tham dự với tư cách trưởng đoàn đại biểu Lào.
Tình hình tại Đông Dương liên tục thất bại, thực dân Pháp quyết định trao trả độc lập cho Lào để tập trung bình định Việt Nam. Tại Lào trong năm 1953 lực lượng Pathet Lào cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam liên tiếp đánh chiếm nhiều vùng do Pháp và chính quyền Vương quốc Lào nằm giữ. Đến cuối năm 1953 Pathet Lào kiểm soát được Thượng Lào, một số tỉnh tại Trung và Hạ Lào.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, lực lượng cộng sản Lào tập kết tại 2 tỉnh Phong Saly và Sầm Nứa cho tới khi có bầu cử thống nhất Lào vào năm 1955. Năm 1955 Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được thành lập với tiền thân là Đảng Cộng sản Đông Dương, người gốc Việt chiếm đa số trong Đảng. Chính phủ Liên hiệp các đảng phái được thành lập, và bầu cử 1958 diễn ra với sự thắng thế của Mặt Trận Lào Yêu Nước do hoàng thân Souphanouvong lãnh đạo. Hoa Kỳ không chấp nhận tình trạng này, cắt viện trợ để gây áp lực với chính phủ Souvanna Phouma. Souvanna Phouma sau đó bị truất phế năm 1958, thay vào đó là Phoui Sananikone. Chính phủ Phoui Sananikone loại bỏ phe hoàng thân Souphanouvong ra khỏi chính phủ liên hiệp và bắt giam ông năm 1959.
Ngày 24/5/1960 một nhóm nhỏ lực lượng Việt Nam đã tấn công giải thoát hoàng thân Souphanouvong và đưa về vùng cách mạng an toàn.
Trong giai đoạn 1959-1960 tại Lào liên tiếp xảy ra các cuộc đảo chính quân sự, Hoa Kỳ và Liên Xô ủng hộ 2 chính quyền khác nhau tại Lào. Do lo ngại sự can thiệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào Lào, Liên Xô và Hoa Kỳ thống nhất ủng hộ giải pháp liên hiệp. Chính phủ liên hiệp lần 2 ra đời nhưng chỉ ổn định tới năm 1968. Từ năm 1968 phe Cộng sản và phái hữu tại Lào lại tiếp tục giao tranh. Souphanouvong được Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp ủng hộ nhiệt tình, đào tạo cán bộ cho cách mạng Lào, người Việt Nam trở thành chuyên gia, bộ đội tình nguyện… cho công cuộc cách mạng của Lào.
Sau khi Việt Nam giải phóng Sài Gòn và thống nhất đất nước, lực lượng cộng sản tại Lào cũng phát triển mạnh mẽ và cuối cùng cũng đã giải phóng được Viên Chăn tháng 12/1975 thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Năm 1976, Việt Nam và Lào đã ký hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, khoa học và kỹ thuật, tiếp sau đó là kí hiệp ước 25 năm hữu nghị và hợp tác vào năm 1977, và Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia., và hiệp ước này cũng gây nên sự căng thẳng trong quan hệ giữa Lào và Trung Quốc.
Năm 1979 nổ ra xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc xâm lược cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Do lo ngại tình hình bất ổn tại biên giới Lào-Thái quân tình nguyện Việt Nam lại tiếp tục hỗ trợ xây dựng Quân đội Nhân dân Lào phát triển như ngày nay có khả năng đủ chống lại các cuộc ngoại xâm cũng như các phe phái thù địch.
Kể từ năm 1980 Lào Việt Nam chính thức thành lập Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam sẽ thường xuyên gặp nhau để phát triển các kế hoạch. Các cấp độ hợp tác với nhau khác của Lào Việt Nam là các cuộc họp Đảng với Đảng, giao lưu tỉnh với tỉnh, cũng như các đoàn thể thành niên và phụ nữ khác.
Ngày 24 tháng 1 năm 1986, hai nước ký kết một nghị định thư về phân định biên giới và cắm mốc. Hai quốc gia dự kiến hoàn thành cắm mốc biên giới vào năm 2012.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Lào và Việt Nam tích cực hợp tác với các quốc gia khác, nhưng quan hệ Lào-Việt Nam vẫn là mối quan hệ đặc biệt. Việt Nam vẫn tiếp tục viện trợ, đào tạo học sinh, sinh viên cho Lào, hiện tại tính tới năm 2002 Việt Nam là nhà đầu tư số 1 tại Lào.
Chính trị và quân sự
Cuối thập niên 1950, Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng tuyến đường qua biên giới với Lào để vận chuyển nhân lực và vật lực từ miền Bắc vào miền Nam, còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh.[5] Trong chiến tranh biên giới Lào-Thái Lan từ tháng 12 năm 1987 đến tháng 2 năm 1988, Việt Nam có trợ giúp cho quốc gia đồng minh của mình, gửi quân từ Sư đoàn Bộ binh Việt Nam 2 đến sân bay Baan Nakok tại Xayabury để hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Lào.
Tháng 7 năm 1992, mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào lại được củng cố nhân dịp kỷ niệm 15 năm thực hiện hiệp ước năm 1977.[6] Đại sứ và lãnh sứ quán hai nước đã được thiết lập đầy đủ.
Giáo dục đào tạo
Việt Nam đã và đang giúp đào tạo cho cán bộ của Lào, nhiều người tốt nghiệp từ các trường học tại Việt Nam đã và đang đảm trách các cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo đảng và nhà nước Lào
Kinh tế
Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Lào.[8] Đến thời điểm tháng 4 năm 2012, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Lào, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng (thủy điện), khai khoáng, nông, lâm nghiệp. Lào cũng là nước thu hút vốn từ Việt Nam nhiều nhất trong tổng số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam